Skip to main content

Giới thiệu chung

Địa bàn Núi Voi trước đây thuộc xã Tú Tề, huyện Tri Tôn và huyện Bảy Núi. Đến tháng 08 năm 1979 Núi Voi là 01 ấp thuộc thị trấn Chi Lăng, huyện Tịnh Biên (theo Quyết định số: 300/CP của Hội đồng Chính phủ về việc tách xã Tú Tề làm 02 đơn vị hành chính là thị trấn Chi Lăng và xã Tân Lợi). Tháng 04 năm 1998 địa bàn Núi Voi chia thành 03 ấp thuộc thị trấn Chi Lăng, huyện Tịnh Biên theo Quyết định số: 186/QĐ UB.TC của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc công nhận lập, điều chỉnh thành khóm, ấp tại thị trấn Chi Lăng, huyện Tịnh Biên. Nơi đây là một trong những địa danh có bề dầy lịch sử đối với người dân vùng Bảy Núi nói riêng, người dân An Giang nói chung, từ lâu đã trở nên gần gũi, thân thương, vì nó gắn liền với quá trình mở đất, giữ đất trên vùng biên cương An Giang gần 250 năm.
Thực hiện Nghị định số:119/2003/NĐ – CP, ngày 17 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về việc tách địa giới hành chính thị trấn Chi Lăng thành 02 đơn vị: thị trấn Chi Lăng và xã Núi Voi, ngày 25 tháng 11 năm 2003, Đảng bộ xã Núi Voi được thành lập theo Quyết định số 05-QĐ/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy Tịnh Biên, có 50 đảng viên, trong đó Ban Chấp hành có 09 đồng chí. Ngày 28 tháng 11 năm 2003, Ủy ban nhân dân huyện Tịnh Biên ra Quyết định số 693/2003/QĐ.UB.TC về việc chỉ định Ủy ban nhân dân lâm thời xã Núi Voi, có 07 thành viên. 
Trong 02 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trải qua 30 năm từ năm 1945 – 1975 là thiên hùng ca vĩ đại của cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thế kỷ XX. Với trí thông minh sáng tạo, với tinh thần chiến đấu anh dũng, ngoan cường, với những hy sinh vô bờ bến, Nhân dân ta đã đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của bọn thực dân mới với quy mô lớn nhất, dài nhất, ác liệt nhất và dã man nhất. Trong thời kỳ này, Mỹ - Ngụy biến Núi Voi từ chỗ là hậu cứ của Trung đoàn 33 (1956) trở thành căn cứ huấn luyện quân sự lớn nhất ở miền Tây. Lúc cao điểm (1970), tại đây có khoảng 20.000 quân, bao gồm lính quân dịch và các loại lính biệt kích Mỹ, lính các Sư đoàn chủ lực 7, 9, 21; các binh chủng xe tăng, pháo binh, không quân.
Trong công cuộc xây dựng chính quyền cách mạng, ổn định đời sống Nhân dân giai đoạn 1975 – 2005, từ xã Tú Tề, thị trấn Chi Lăng cho đến xã Núi Voi (nay là phường Núi Voi), dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân, dân địa phương đã đóng góp sức người, sức của cùng với quân, dân cả nước giành thắng lợi cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam năm 1979, tiến hành lãnh đạo nhân dân khôi phục lại sản xuất hàng trăm hecta ruộng vườn bỏ hoang, để ổn định đời sống. 
    I. VỊ TRÍ, ĐỊA LÝ  
Phường Núi Voi là một trong 14 xã, phường của thị xã Tịnh Biên, cách trung tâm thị xã Tịnh Biên khoảng 15 km về phía Tây Bắc. Phía Đông giáp xã Đào Hữu Cảnh (huyện Châu Phú). Phía Tây giáp phường Chi Lăng. Phía Nam giáp xã Tân Lợi. Phía Bắc giáp xã Vĩnh Trung. Tuyến giao thông bộ gồm có: Hương lộ 11; Hương lộ Tú Tề và Hương lộ Xáng Cụt với tổng chiều dài 6,1 km và tuyến giao thông thủy gồm kênh Trà Sư, kênh Cần Thảo, kênh Xáng Cụt với tổng chiều dài 11,4 km. Ngoài ra, phường có 11 tuyến đường nông thôn liên khóm với tổng chiều dài 6,92 km được bê tông hóa; nhiều cây cầu nông thôn bắc qua các tuyến kênh trên địa bàn và 06 tuyến kênh nội đồng phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp với tổng chiều dài 11,8 km.
Theo Quyết định số: 186/QĐ.UB.TC, ngày 22 tháng 04 năm 1998 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc công nhận lập, điều chỉnh thành khóm ấp tại thị trấn Chi Lăng thuộc huyện Tịnh Biên thì chia 02 ấp Voi I, Voi II địa bàn Núi Voi thành các khóm, ấp như: Khóm I, II và III và các ấp: ấp Voi I, Núi Voi, Mỹ Á với diện tích tự nhiên 2.154 ha, có 2.715 hộ với 12.216 nhân khẩu. Theo Nghị định số: 19/2003/NĐ-CP, ngày 17 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, xã Núi Voi được thành lập mới có diện tích tự nhiên 1.487,53 ha, có 1.066 hộ với 4.387 khẩu, trong đó dân tộc Khmer có 82 hộ với 434 nhân khẩu, chiếm 8,99% dân số, với mật độ dân số 352 người/km2. Ngày 13/02/2023, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 721/NQ-UBTVQH15 về việc thành lập thị xã Tịnh Biên, các phường thuộc thị xã Tịnh Biên, thị trấn Đa Phước thuộc huyện An Phú và thị trấn Hội An thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, theo đó phường Núi Voi được thành lập với 1.201 hộ, 5.320 nhân khẩu, diện tích tự nhiên: 15,2 km2. Địa giới hành chính: Đông giáp huyện Châu Phú; Tây giáp phường Chi Lăng; Nam giáp xã Tân Lợi; Bắc giáp xã Vĩnh Trung.
   II. ĐIỀU KIỆN XÃ HỘI
Phường Núi Voi trước đây thuộc xã Tú Tề là vùng đất định cư của các dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer gắn bó lâu đời bên nhau cùng khai hoang, lập ấp. Dưới thời phong kiến nhà Nguyễn, cư dân ở đây là người Khmer sinh sống, chủ yếu dựa vào khai thác thiên nhiên là chính, chỉ khai phá đất hoang sản xuất vừa đủ ăn. Sau khi chiếm An Giang (1867), nhìn thấy tiềm năng kinh tế to lớn của vùng Bảy Núi, thực dân Pháp chú trọng mở mang đường sá nối từ Châu Đốc vào Tịnh Biên đến Tri Tôn nhằm khai thác lâm sản núi Cấm. Từ đó, cư dân Việt có đòi sống khó khăn ở các nơi về đây ngày càng nhiều để khai thác ruộng bưng sản xuất lúa mùa, cùng đồng bào Khmer canh tác ruộng trên, trồng hoa màu, cây ăn trái. 
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược, xã Tú Tề, phường Núi Voi ngày nay là địa bàn cài răng lược giữa ta và địch, cũng là địa bàn trung chuyển lực lượng của ta từ căn cứ địa xã Thới Sơn về căn cứ địa núi Cấm. Nơi đây thực dân Pháp và đế quốc Mỹ tổ chức thành lập một số đồn bót nhằm ngăn chặn, kiểm soát làm hạn chế các hoạt động của ta. Đến giữa năm 1955, đồn Vĩnh Trung được xây dựng mở rộng thành hậu cứ của Trung đoàn 133 chủ lực ngụy quân Sài Gòn. Năm 1957 là căn cứ quân sự Vĩnh Trung, đến năm 1959 trở thành Trung tâm huấn luyện Thất Sơn và từ năm 1963 chính thức mang tên Trung tâm huấn luyện Quốc gia Chi Lăng, biến hàng ngàn diện tích đất canh tác của cư dân Tú Tề, Vĩnh Trung trở thành cứ điểm quân sự, sân bay, trường bắn. Do sự phát triển mạnh của căn cứ quân sự này với hàng chục sắc lính (quân binh chủng) đồn trú và gia đình của họ, cùng với quy khu dồn dân của địch, từ sau năm 1960 dân chúng nhiều xã xung quanh dồn về đây sinh sống nên Chi Lăng ngày càng phình to thành đô thị “ăn theo” chiến tranh, rất nhộn nhịp và đầy phức tạp.
Ngày 30 tháng 04 năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, Trung tâm huấn luyện Quốc gia Chi Lăng trở thành hậu cứ Sư đoàn bộ binh 330 anh hùng và Lữ đoàn 416 Tăng, Thiết giáp và Trường Quân chính, Quân khu 9 có nhiệm vụ đào tạo sĩ quan, hạ sĩ quan và bổ túc cán bộ trung cấp để làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế Campuchia. Đến năm 1989 Trường Quân chính, Quân khu 9 chuyển về tỉnh Sóc Trăng, chỉ còn lại căn cứ Sư đoàn bộ binh 330 anh hùng và Lữ đoàn 416 Tăng, Thiết giáp cho đến nay.
Ngày nay cư dân phường Núi Voi sinh sống tập trung chủ yếu tại trung tâm phường và dọc theo các tuyến giao thông chính, các tuyến đường nông thôn liên ấp, trong đó đồng bào người dân tộc Kinh chiếm trên 90% so với dân số toàn phường. Đời sống nhân dân chủ yếu bằng nghề thuần nông (ruộng, rẫy), một số ít làm nghề tiểu thủ công nghiệp và nghề truyền thống như: Làm đường thốt nốt, chậu cảnh, kinh doanh thương mại và dịch vụ chiếm 10%. 
Ngày 25/12/2015, UBND tỉnh An Giang ban hành Quyết định số 2890/QĐ-UBND, công nhận đạt chuẩn “xã đạt chuẩn Nông thôn mới”, đây là xã Nông thôn mới đầu tiên của huyện Tịnh Biên.
   III. TRUYẾN THỐNG VĂN HÓA
Ngày nay, phường Núi Voi có 02 tôn giáo chính là đạo Phật và đạo Phật giáo Hòa Hảo, có 03 cơ sở thờ tự gồm: 01 đình (Đình Thần Tú Tề); 02 chùa: là “Tổ đình Phi Lai” và “Chùa Phi Lai Mías” (Chùa Mỹ Á). 
Đời sống văn hóa tinh thần của người dân rất phong phú, đa dạng, xuất phát từ nguồn gốc, phong tục, tập quán của các dân tộc với nét sinh hoạt mang nhiều màu sắc tín ngưỡng của tôn giáo, đặc biệt có sự ảnh hưởng của Nho giáo, Phật giáo còn đọng lại khá nhiều trong hoạt động lễ hội văn hóa dân gian như: lễ Phật Đản, Ngày khai sáng đạo Phật giáo Hòa Hảo (ngày 18/5 âm lịch), lễ cúng Rằm tháng Giêng âm lịch (lễ Thượng ngươn), Rằm tháng 7 (lễ Vu lan báo hiếu), Rằm tháng 8 (tết Trung thu) và Rằm tháng 10 (lễ Hạ ngươn) Các lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer: Lễ chịu tuổi, gọi là Chôl – Chnăm – Thmây; lễ Sen Đolta (cúng ông, bà). Ngoài ra còn các lễ cúng mang tính chất địa phương như cúng Miếu (Sơn thần, Thổ địa, Sơn quân) cúng Đình (Thượng điền, Hạ điền, cầu Quốc thái dân an và nhớ ơn các bậc tiền nhân khai khẩn đất hoang). 
Ngày nay, đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân vừa mang đậm nét truyền thống, vừa tiếp cận với văn minh hiện đại theo sự phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội, thể hiện qua các lễ cưới, hỏi, ma chay, lễ giỗ, đầy tháng, khai trương, lễ đưa, rước Táo công, rước ông, bà vui xuân, đón tết và tiết thanh minh.
Lễ cúng thần Đình Tú Tề hàng năm có thỉnh sắc thần, rước Ông. Gần đây, đã bớt đi nghi thức rườm rà, tổ chức ít ngày hơn. Ở chùa Phật có đông người dân cúng viếng vào các dịp tết, ngày rằm, lễ Phật đản, ngày húy kỵ Sư ông, đồng bào theo tôn giáo nào thì có những ngày sinh hoạt lễ, lễ nghi theo tôn giáo của mình và chấp hành tốt những quy định của pháp luật.
Trong tiến trình phát triển cộng đồng dân cư trải qua hàng trăm năm, đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã Tú Tề, phường Núi Voi ngày nay đã cùng nhau khai khẩn đất đai, đoàn kết chống giặc ngoại xâm, chống phong kiến áp bức, bóc lột. Dưới sự thống trị của thực dân Pháp và tay sai, đồng báo Tú Tề từng bị chiếm đất, cuộc đời tăm tối. Đời sống của người dân chỉ thật sự thay đổi khi Nhân dân hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh đứng lên giành lấy chính quyền trong cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 (Người cày có ruộng). Chiến thắng ngày 30 tháng 04 năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, người dân nơi đây mới thật sự làm chủ trên mảnh đất quê hương mình.